Saturday, November 27, 2010

Giới Thiệu Về Cố Đô Huế

Kinh thành Huế được xây dựng gần 30 năm (từ 1803 đến 1832), là một dãy thành lũy dài cao 6,60m, dày 21m, với chu vi gần 9.000m. Trên mặt thành ngày xưa có tới 24 pháo đài.Bên ngoài, dọc theo bờ thành có hào sâu bảo vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: Chính Ðông, Chính Tây, Chính Nam, Chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Ðông Bắc, Ðông Nam. Ngoài ra hai bên Kỳ Ðài còn có hai cửa Thể Nhơn và Quảng Ðức. Ngoài ra còn có hai cửa bằng đường thủy ở hai đầu sông Ngự Hà là Ðông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan. Phía Hoàng Thành ở góc đông bắc có một thành nhỏ, thời Gia Long gọi là Thái Bình, đến thời Minh Mạng đổi thành Trấn Bình Ðài có chu vi gần 1km, bên ngoài có hào rộng ăn thông với hào của Hoàng Thành.
Theo nguyên tắc địa lý phong thủy của Ðông Phương và thuyết âm dương - ngũ hành của Dịch học. Kinh thành quay mặt về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng 2 hòn đảo nhỏ trên sông Hương (Cồn Hến - Cồn Dã Viên) làm rồng chầu hổ phục (Tả Thanh Long - Hữu Bạch Hổ) để bảo vệ đế đô. Dòng Sông Hương chảy ngang trước mặt dùng làm Minh Ðường. Bốn mặt kinh thành đều được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi gọi là sông Hộ Thành.

Ở trong lòng Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành được gọi chung là Ðại Nội. Hoàng Thành dùng để bảo vệ khu vực các cơ quan lễ nghi, chính trị quan trọng nhất của triều đình và các điện thờ. Tử Cấm thành bảo vệ nơi làm việc, ăn ở và sinh họat hàng ngày của nhà vua và gia đình..
Ðược xây dựng từ 1804-1833, Ðại Nội có mặt bằng xây dựng theo hình gần vuông, mặt trước và mặt sau dài 622m, mặt trái và phải 604m. Thành xung quanh xây bằng gạch (cao 4,16m, dày 1,04m), bên ngoài có hệ thống hộ thành hào, gọi là Kim Thủy Hồ, để bảo vệ thành. Mỗi mặt trổ một cửa để ra vào: Ngọ Môn (trước), Hòa Bình (sau), Hiển Nhơn (trái), Chương Ðức (phải). Cửa chính của Ngọ Môn chỉ dành cho vua đi.
Với hơn 100 công trình kiến trúc đẹp, mặt bằng Ðại Nội chia thành nhiều khu vực khác nhau:

• Từ Ngọ Môn đến Ðiện Thái Hòa làm nơi cử hành các lễ lớn của triều đình.
• Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Ðiện Phụng Tiên là nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn.
• Cung Diên Thọ và Cung Trường Sanh là nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu.
• Phủ Nội Vụ là nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia.
• Vườn Cơ Hạ và Ðiện Khâm Văn là nơi các Hoàng tử học tập và chơi đùa.

Tử Cấm Thành: Có mặt bằng cũng gần vuông, cao 3,7m, mặt trước và sau dài 324m; mặt trái và phải dài 290m. Quanh thành trổ 10 cửa. Ðại Cung Môn là cửa chính ở mặt tiền chỉ dành cho vua ra vào, hiện nay đã hư hại hoàn toàn. Bức bình phong to rộng dăng ngang sau lưng điện Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày) là dấu hiệu cho biết thế giới sau đó chỉ dành riêng cho vua và gia đình. Trong đó có hàng trăm cung nữ và hàng chục thái giám thường trú để phục vụ hoàng gia. Trong khu vực này có gần 50 công trình kiến trúc vàng son lộng lẫy bao gồm: điện Càn Thành (nơi vua ở), điện Khôn Thái (nơi vợ chính vua ở), Duyệt Thị Ðường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách), điện Quang Minh (nơi ở các hoàng tử), điện Trinh Minh (nơi các hoàng hậu ở), điện Kiến Trung, vườn Cẩm Uyển...

Hệ thống kiến trúc ở Ðại Nội đã được hoạch định theo những nguyên tắc chặt chẽ, đăng đối: chia ra các vị trí tiền, hậu, tả, hữu, thượng, hạ, chiêu mục tất cả đều nhất quán. Nó thể hiện những khái niệm về triết lý chính trị Nho giáo phương đông. Phần lớn các công trình kiến trúc ở đây đều làm bằng gỗ quý, nhưng cũng không chịu đựng nổi với thiên tai, khí hậu khắc nghiệt hàng thế kỷ qua và các cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề. Cho nên một số công trình đã bị hư hỏng, các di tích quý này hiện nay đang được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí để phục hồi, tôn tạo lại từng bước.

Việc nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô và đầu tư xây dựng suốt 1,5 thế kỷ đã để lại cho Huế một di sản kiến trúc vật chất đồ sộ với quần thể cung điện, lăng tẩm, thành quách, đình tạ, miếu đường... nguy nga, lộng lẫy.

Hơn thế nữa, trong tiến trình lịch sử lâu dài của Huế đã hình thành nên một di sản văn hóa phi vật thể do bao thế hệ dày công xây dựng hun đúc nên với những vốn qúy tinh thần, những phong tục tập quán, lễ hội, các ngành nghệ thuật, những ngành nghề thủ công truyền thống...đã tạo cho Huế một giá trị đặc trưng nổi bật, một bản sắc riêng độc đáo.

Nhưng vùng đất thơ mộng này đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, lại còn chịu tác động khắc nghiệt của môi trường và khí hậu, nên đã một thời quần thể di tích Huế xuống cấp nghiêm trọng, đến nỗi trong lần thăm Huế vào tháng 11.1981 ông Tổng Giám đốc Unesco Amadou Mahtar M'Bow đã phải khẩn thiết kêu gọi "cứu vãn Huế" với những lời tâm huyết "Huế phải được cứu vãn, phải được cứu vãn cho Việt nam mà Huế là một cao điểm. Ở đó thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc , phải được cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận tổ thành của di sản văn hóa loài người". Kể từ khi lời kêu gọi đó được phát đi, nhóm công tác Huế - Unesco (Hue-Unesco working Group) và chính quyền Việt Nam các cấp đã thực hiện nhiều chương trình hoạt động rất tích cực nhằm từng bước trùng tu và bảo tồn quần thể di tích Huế và 12 năm sau đã đem lại kết quả đáng mừng: Tháng 12.1993, Hội đồng di sản thế giới (WHC) đã ghi cố dô Huế vào danh mục di sản văn hóa thế giới với nội dung "Tổng thể lăng tẩm của Huế là một thí dụ điển hình về đô thị hóa và kiến trúc của một kinh đô phòng thủ, thể hiện quyền lực của vương quốc phong kiến cổ của Việt Nam ở thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ XX". Quần thể di tích Huế trở thành di sản thứ 410 trong danh mục di sản thế giới.

Quần thể di tích Huế - di sản văn hóa thế giới là tài sản vô giá của quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Di sản ấy không chỉ được "cứu vãn" mà thực sự đã và đang dần dần hồi sinh. Việc làm sống lại tổng thể di tích cố đô Huế là cực kỳ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành trong một thời gian dài, phải đầu tư kinh phí rất lớn và phải có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia, công nhân nắm vững khoa học kỹ thuật và có tay nghề giỏi, hiểu biết sâu sắc và kế thừa được ngành nghề truyền thống của cha ông. Quần thể di tích Huế khi nguyên vẹn có 1200 công trình, nay chỉ còn 480 công trình, trong đó có nhiều công trình hư hỏng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, với chính sách chấn hưng và bảo vệ nền văn hóa dân tộc của Nhà nước Việt Nam và sự giúp đỡ của quốc tế, trong vòng 10 năm trở lại đây đã có trên 30 hạng mục công trình được tu bổ hoàn chỉnh và hàng trăm công trình khác được bảo quản và sửa chữa từng phần.

Ngày 12.2.1996, "DỰ ÁN QUI HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH CỐ ÐÔ HUẾ 1995 - 2010" đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt với tổng vốn đầu tư 720 tỷ đồng (tương đương gần 60 triệu USD). Ðây là một dự án khá đồ sộ và toàn diện nhằm mục đích bảo tồn, khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế về cả mặt văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và cảnh quan môi trường. Nếu dự án được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có chất lượng thì chắc chắn Huế sẽ rất xứng đáng với sự tôn vinh: DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI.

Nguồn: Tour Du Lịch Huế - Công Ty Du Lịch Huế

0 comments:

Post a Comment